Đường Tô đặt một chiếc ghế nhỏ cho Tạ Ngôn Chiêu, để cô có thể ngồi nghỉ ngơi khi nhàm chán.
Cô vừa ngồi xuống không được bao lâu thì trên bờ ruộng có người kêu: "Chiêu Chiêu."
Cô quay đầu lại, thấy Trần Tĩnh Hảo.
Trần Tĩnh Hảo đi xe đạp, lúc này xuống xe, đem xe dựng ở bên đường, rồi chạy chậm dọc theo ngoài ruộng tới.
Trên mặt cô ấy là nụ cười dào dạt: "Chiêu Chiêu, cô có rảnh không, tôi chở cô lên trấn trên mua đồ nhé?"
Tạ Ngôn Chiêu cố gắng nhớ lại xem mình còn thiếu thứ gì không.
Hình như thiếu rất nhiều thứ.
Nhưng cái mà Trần Tĩnh Hảo nói chắc chắn là những thứ hôm qua cô ấy có thể mua nhưng chưa mua. Cô suy nghĩ một lát, nhớ ra rồi, là nội y.
Tạ Ngôn Chiêu nói với Đường Tô một tiếng rồi cùng Trần Tĩnh Hảo rời đi. Lúc cô đi, Đường Tô vẫn đang hăng hái dùng xẻng đào.
Trần Tĩnh Hảo chở Tạ Ngôn Chiêu bằng xe đạp, hỏi: "Hôm nay cô không bận gì chứ? Nếu không bận, tôi chở cô đi dạo quanh thôn trước nhé."
"Không bận gì cả." Tạ Ngôn Chiêu đáp.
Người bận là Đường Tô, cô khá rảnh rỗi.
"Vậy thì được." Trần Tĩnh Hảo dùng sức đạp mạnh, chiếc xe nhanh chóng lăn bánh về phía trước.
Sáng sớm trong núi phủ một tầng sương, xe đạp len lỏi trên con đường nhỏ quanh co, mang theo một làn gió mát lạnh ẩm ướt, trong gió còn thoảng hương cháo, có vẻ như nhà ai đó ở gần đây đang nấu cơm.
Lúc đầu Trần Tĩnh Hảo không nói gì, xung quanh vô cùng yên tĩnh, chỉ có thể nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường đất, tiếng chim hót, tiếng côn trùng kêu trong núi và tiếng nước sông chảy róc rách.
Cho đến khi xe đạp đi đến cuối con đường nhỏ, một ngọn núi nhô ra khỏi màn sương. Trên núi trồng đầy tre, gió thổi qua, lá tre kêu lên xào xạc.
Núi phía nam khác với núi phía bắc, dù trong mùa đông lạnh giá, nó vẫn xanh tươi um tùm.
Tạ Ngôn Chiêu nhìn chằm chằm rừng tre một lúc, thấy trên núi dường như có người. Vì bị cây tre che khuất, người lại khom lưng nên cô không nhìn rõ.
"Bọn họ đang đào măng mùa đông." Trần Tĩnh Hảo giới thiệu: "Đây là sản nghiệp mới của thôn chúng tôi. Trước đây trên núi này có một mảnh tre rừng, nhưng nó còn hoang dại, chưa thành hình, măng mùa đông cũng rất ít, mọi người vì tranh nhau đào măng mà thường xuyên xảy ra xung đột. Sau đó, tôi dẫn dắt bọn họ trồng trọt có quy mô, bây giờ việc thu hoạch tốt hơn nhiều so với trước kia."
"Bên kia còn có một ngọn núi, để tôi dẫn cô đi xem." Trần Tĩnh Hảo quay đầu xe đạp về hướng khác, "Cô có tò mò vì sao thôn này lại tên là thôn Thắt không?"
Tạ Ngôn Chiêu nói: "Là bởi vì cây thắt bím sao?"
"Cô biết?!" Trần Tĩnh Hảo vô cùng ngạc nhiên: "Vậy mà cô cũng biết?"
"Trước đây tôi có tìm hiểu một chút về loại cây này." Tạ Ngôn Chiêu nói.
Cây thắt bím còn gọi là cây kim ngân, cây kết hương, cây hoa mộng, cây tiền, là một loại cây thuộc họ cẩm quỳ, thân cây có độ dẻo tốt, có thể quấn quanh vào nhau, tên gọi cũng từ đó mà ra. Tạ Ngôn Chiêu từng gặp qua loại cây này ở vành đai xanh ở thành phố, cảm thấy mùi hương của nó rất độc đáo, nên đã tìm hiểu sơ qua.
"Trước đây, trên bờ ruộng mọc rất nhiều cây này, thế hệ trước gọi chúng là cây thắt bím, tên thôn cũng từ đó mà ra." Trần Tĩnh Hảo nói xong, bổ sung thêm một câu: "Tôi cũng chỉ nghe người khác kể lại."
Dù sao thì cô ấy cũng mới đến đây không lâu.
Lúc này Trần Tĩnh Hảo dẫn Tạ Ngôn Chiêu đến ngọn núi trồng đầy cây thắt bím, khác với ngọn núi mọc đầy tre xanh mơn mởn vừa rồi, bên này toàn bộ đều là cành cây trụi lủi, làm toát lên vẻ tiêu điều tàn tạ.
Đó là bởi vì cây thắt bím nở hoa trước rồi mới kết lá, hiện tại còn chưa đến mùa hoa nở.
"Dựa theo tình hình năm ngoái, tháng sau là có thể nở hoa rồi. Mọi người đến không đúng dịp, nếu không có thể nhìn thấy cả một ngọn núi tràn đầy hoa mộng vàng tươi. Rất đẹp, cũng rất thơm, trong vòng mấy trăm mét đều có thể ngửi được mùi hương." Trần Tĩnh Hảo nói.
"Đây cũng là trồng trọt quy mô lớn sao?" Tạ Ngôn Chiêu hỏi.
"Ừm, sau khi phơi khô hoa có thể bán lấy tiền, nó có thể làm thuốc, cũng có thể pha trà, có tác dụng lưu thông máu, tiêu sưng. Đúng rồi, nghe nói hôm qua cô ngã bị thương chân, nhà tôi còn một ít hoa phơi khô, lát nữa tôi đi lấy cho cô, mỗi ngày cô có thể pha một ly uống."
Tạ Ngôn Chiêu: "Nếu cô đưa cho tôi, vậy không phải cô sẽ không còn gì sao?"
Trần Tĩnh Hảo: "Cô lo cái gì chứ, sang năm hoa lại nở."
Tạ Ngôn Chiêu ngửa đầu nhìn ngọn núi một lát, rồi lặng lẽ nói: "Vậy cảm ơn cô."
"Cảm ơn cái gì chứ, so với những gì cô làm cho thôn chúng tôi, cái này có đáng là gì."
Cơ sở vật chất của thôn Thắt còn lạc hậu nên nguồn thu nhập chính của thôn dân vẫn là trồng trọt. Trần Tĩnh Hảo không chỉ quy hoạch rừng tre và cây thắt bím, cô ấy còn đi đầu làm cho mọi người trồng ớt và hoa hồi, hơn nữa còn thành lập trang thương mại điện tử, dạy mọi người bán hàng trên mạng.
Cô ấy đến giúp đỡ khiến thu nhập của thôn tăng gấp ba trong vài năm qua. Hiện giờ thôn dân đều có thể ăn no, trẻ con đều được đi học, mọi người đều tin tưởng vững chắc, tương lai sẽ ngày càng tốt đẹp hơn.
"Cô xem, nơi này của chúng tôi có phải là khác hẳn so với trước kia hay không?" Trần Tĩnh Hảo cười hỏi.
"Ừm, bây giờ núi là núi, sông là sông." Tạ Ngôn Chiêu nói.
Xóa bỏ đi sự nghèo khó, sông núi cũng chỉ đơn thuần là sông núi, không phải thêm một câu "vùng khỉ ho cò gáy" để hình dung .
Trần Tĩnh Hảo dẫn Tạ Ngôn Chiêu đi dạo một vòng quanh thôn, cuối cùng dừng lại ở trước cửa một hộ dân. "Buổi sáng hôm nay tôi còn phải mở họp, để con gái tôi dẫn cô đi lên thị trấn mua đồ đi."
"Cô đã có con gái rồi sao?" Tạ Ngôn Chiêu kinh ngạc.
Nhìn cô ấy còn trẻ tuổi, thế mà đã có con gái rồi, hơn nữa nghe cách nói này, tuổi con gái cũng không nhỏ, nếu không làm sao có thể dẫn cô lên thị trấn?
Trần Tĩnh Hảo giải thích: "Là con gái nuôi."
Ba năm trước cô ấy đến thăm các hộ gia đình nghèo trong thôn thì phát hiện một hộ gia đình chỉ có một bé gái và bà nội ở nhà. Sau khi nghe ngóng, biết được cha mẹ cô bé đã ly hôn, hiện tại hai người đó đều làm công ở trên trấn, mỗi năm chỉ gửi về cho cô bé 500 tệ.
Người già và trẻ em không thể đi ra ngoài kiếm tiền, chỉ dựa vào 500 tệ kia và một mảnh ruộng nhỏ, ngày tháng trôi qua rất khó khăn và thiếu thốn.
Trần Tĩnh Hảo thấy đáng thương nên thường xuyên giúp đỡ bọn họ. Trùng hợp là bé gái cũng họ Trần, sau này cô bé nhận Trần Tĩnh Hảo làm mẹ nuôi, nói khi mình lớn rồi sẽ phụng dưỡng cô ấy.
Trần Tĩnh Hảo nói đến chuyện trước kia, không nhịn được cười: "Bé tí tẹo đã đòi phụng dưỡng người khác. Tôi cũng không cần con bé nuôi, tôi chỉ hy vọng sau khi nó lớn lên có thể đi ra ngoài, đừng quay lại."
Nhà ở ở thắt thôn đa phần là gạch đỏ ngói xám, sân rộng. Trong sân trồng rau dưa, hoặc là dùng rào tre quây lại một chỗ để nuôi gà nuôi vịt.
Trong sân hộ dân này cũng trồng rau, ngoài ra còn nuôi hai con gà.
Trần Tĩnh Hảo hướng về phía nhà chính gọi lớn một tiếng: "Tiểu Nguyệt!", cô bé tên "Tiểu Nguyệt" lập tức chạy ra.
Tóc cột hai bím cao bóng mượt, mặc bộ áo bông màu hồng nhạt đã phai và quần bông màu xanh đen. Làn da màu bánh mật, đôi mắt vừa to vừa tròn. Vóc dáng ước chừng thấp hơn Tạ Ngôn Chiêu một cái đầu, không mập không gầy.
"Mẹ nuôi." Cô bé lao ra khỏi cửa, hô lên một tiếng ngọt ngào. Khi nhìn thấy Tạ Ngôn Chiêu bên cạnh, cô bé ngây người.
"Lại đây, giới thiệu với con, đây là Chiêu Chiêu." Trần Tĩnh Hảo giới thiệu Tạ Ngôn Chiêu trước, rồi chỉ tay về phía cô bé: "Đây là Tiểu Nguyệt, con gái nuôi của tôi."
"Chiêu Chiêu?" Tiểu Nguyệt đột nhiên mở to mắt, vẻ mặt ngạc nhiên: "Là Chiêu Chiêu của cầu Chiêu Chiêu sao?"
"Đúng vậy, hôm nay con được gặp người thật rồi nhé." Trần Tĩnh Hảo dựng xe xong, điểm điểm vào mũi cô bé: "Con phải gọi là chị đấy."
"Chào chị ạ!" Tiểu Nguyệt lập tức gọi Tạ Ngôn Chiêu một tiếng, giọng nói trong trẻo ngọt ngào.
"Chào em... Ừm... Thật ra cũng có thể gọi là dì." Tạ Ngôn Chiêu nói.
Cô cùng thế hệ với Trần Tĩnh Hảo, đây là con gái nuôi của cô ấy, vậy mình hẳn là dì mới phải.
"Không sao, cô còn trẻ, lại xinh đẹp như vậy, gọi chị là được rồi." Trần Tĩnh Hảo cười nói.
"Đúng vậy ạ!" Tiểu Nguyệt lí nhí nói: "Chị xinh đẹp lắm, còn xinh hơn cả minh tinh trên lịch treo tường nữa."
"Tiểu Nguyệt, có khách đến à?"
Từ khi Tiểu Nguyệt nhìn thấy Tạ Ngôn Chiêu thì hai mắt vẫn luôn dính chặt trên mặt cô. Ngay cả bà nội trong phòng nói chuyện với cô bé, cô bé cũng không nghe thấy.
Trần Tĩnh Hảo thấy bộ dạng si mê của cô bé, "phụt" bật cười một tiếng, sau đó xoa xoa đầu cô bé rồi tự mình vào nhà.
Cô ấy giải thích tình hình cho bà nội Trần, bà nội Trần là một người nông dân chất phác, sau khi biết Tạ Ngôn Chiêu là người đã quyên góp tiền xây cây cầu kia, bà lập tức muốn mời cô vào nhà ngồi.
"Không cần đâu, bà nội. Chiêu Chiêu muốn lên thị trấn mua đồ, con kêu Tiểu Nguyệt đưa cô ấy đi."
Trần Tĩnh Hảo đẩy chiếc xe đạp điện nhỏ trong nhà ra, sau đó kéo Tiểu Nguyệt đến bên cạnh nói vài lời.
Bà nội Trần cũng ra ngoài, dặn dò cháu gái: "Cháu lái chậm thôi, đừng làm người ta sợ."
"Cháu biết rồi ạ." Tiểu Nguyệt đáp.
Tạ Ngôn Chiêu nghe thấy cuộc trò chuyện của bọn họ, do dự nói: "Để Tiểu Nguyệt chở tôi bằng xe điện sao?"
"Ừ, con bé lái xe rất tốt." Trần Tĩnh Hảo trấn an cô: "Yên tâm đi, chắc chắn sẽ không làm cô ngã đâu."
"Em đi xe được hơn nửa năm rồi, chị đừng lo lắng. Hơn nữa xe này thấp, chị chỉ cần chống chân xuống là đứng lên được rồi." Tiểu Nguyệt nhận lấy tay lái từ Trần Tĩnh Hảo, tự mình ngồi lên phía trước, vặn chìa khóa: "Chị ơi, chị lên xe đi."
Tạ Ngôn Chiêu nửa tin nửa ngờ ngồi lên yên sau.
Xe từ từ khởi động, không hề bốc đồng như hôm qua, tốc độ cũng không nhanh, quả thực rất ổn định.
Bà nội Trần ở phía sau kêu: "Tiểu Nguyệt, đi đường chú ý an toàn."
"Biết rồi ạ!" Tiểu Nguyệt cất cao giọng đáp lại.
Sau khi Tiểu Nguyệt chở Tạ Ngôn Chiêu rời đi, Trần Tĩnh Hảo nói vài câu với bà nội Trần rồi cũng rời đi luôn.
*
Mặt trời dần nhô lên, sương mù buổi sáng tan đi, để lộ ra những ngọn núi rộng lớn, mọi thứ xung quanh cũng trở nên nhộn nhịp hơn.
"Chị ơi, em cứ tưởng chị phải tầm tuổi bố mẹ em cơ, chị hoàn toàn không giống với những gì em nghĩ chút nào." Tiểu Nguyệt vừa lái xe điện vừa nói chuyện với Tạ Ngôn Chiêu: "Chị là minh tinh sao?"
"Không phải." Tạ Ngôn Chiêu đáp.
"Vậy chị làm công việc gì?" Tiểu Nguyệt hỏi tiếp. Cô bé cảm thấy, Tạ Ngôn Chiêu có thể quyên góp nhiều tiền như vậy cho thôn xây cầu, chắc chắn phải có một công việc rất giỏi.
"Chị kéo đàn violin." Tạ Ngôn Chiêu trả lời.
"Oa! Là nhạc công!" Mắt và miệng Tiểu Nguyệt cùng mở to ra.
Tháp nhu cầu của Maslow chia nhu cầu của con người ra thành năm tầng: sinh lý, an toàn, xã hội, được tôn trọng và thể hiện hiện bản thân.
Đối với những người vừa thoát khỏi nghèo khó hoặc đang nỗ lực thoát khỏi nghèo khó, nhu cầu trước mắt của họ vẫn dừng lại ở mức cơ bản nhất là sinh lý. Những thứ thuộc về tinh thần như nghệ thuật đối với họ mà nói, có vẻ khá xa vời.
Tạ Ngôn Chiêu nói với cô bé: "Nếu em thích, hôm nào chị có thể kéo vài bản cho em nghe."
"Thật ạ! Cảm ơn chị!"
Một lát sau, Tiểu Nguyệt lại không kìm được mà cảm thán: "Chị thật là giỏi!"
"Em cũng rất giỏi mà." Tạ Ngôn Chiêu nói tiếp: "Em còn nhỏ như vậy đã biết chở người khác bằng xe điện, chị lớn như vậy nhưng vẫn chưa biết đi xe điện đâu."
"Cái này dễ lắm, học một chút là biết ngay, do mọi người chưa học nên mới thấy khó thôi. Phương tiện giao thông ở chỗ bọn em chỉ có mấy thứ này, không biết đi thì chỉ có đi bộ thôi. Với lại em cũng không còn nhỏ đâu, sang năm là mười bốn rồi."
"Vậy em đang học sơ trung sao?"
"Dạ, năm nhất. Vì trường học ở trong thị trấn, đạp xe mất thời gian nên mẹ nuôi mua cho em chiếc xe điện này. Em biết nó rất đắt, đợi em đi làm, em nhất định sẽ báo đáp mẹ."
"Em sẽ quay về sao?"
"Em nhất định sẽ quay về!" Tiểu Nguyệt nói một cách kiên định. "Em biết mẹ nuôi không muốn em quay về, nhưng con người thì phải biết báo đáp ân tình. Mẹ nuôi không phải là người dân bản địa mà vẫn cống hiến cho quê hương của em, em càng không thể vong ân bội nghĩa. Em đây gọi là, đi ra từ xã hội và quay về với xã hội mà thôi."
Tạ Ngôn Chiêu nghe cô bé nói chuyện có đạo lý rõ ràng, tư tưởng còn chín chắn hơn cả một số người lớn. Cô không khỏi tự hỏi, tuổi thơ của cô bé như thế nào.
"Ba mẹ em đâu?" Tạ Ngôn Chiêu dừng lại một chút, "Có tiện hỏi không?"
"Không sao đâu ạ. Họ ấy à, ly hôn rồi, giờ đều ở trên thị trấn cả. Bà nội không nói với em, nhưng thực ra em biết, họ đều đã có gia đình mới và cũng có con riêng rồi."
Tạ Ngôn Chiêu nghe đến đây, lòng thắt lại, cảm thấy mình đã hỏi một câu không nên hỏi.
"Lúc họ mới đi, ngày nào em cũng trốn trong chăn khóc. Giờ có mẹ nuôi, lại có bà nội bên cạnh, em thấy mình vẫn còn rất may mắn. Mẹ nuôi nói với em, mỗi người đều là một cá thể độc lập, chúng ta chỉ cần chịu trách nhiệm với cuộc đời mình là được."
"Em sẽ chịu trách nhiệm với bản thân, và sẽ cố gắng báo đáp cho những người đã đối xử tốt với em."
Giọng nói của Tiểu Nguyệt nghe vừa mềm mại vừa trong trẻo, mang theo nét trẻ con độc đáo của một cô bé ở tuổi này, nhưng lại nghe vô cùng kiên nghị.
Tạ Ngôn Chiêu không khỏi cảm thán: "Mẹ nuôi em dạy em rất tốt, em bây giờ rất ưu tú."
Xuất thân trong một gia đình nghèo khó, không cảm nhận được nhiều tình yêu thương của cha mẹ, nhưng lại không hề tự ti, ngược lại còn dũng cảm kiên cường, có mục tiêu cuộc đời rõ ràng. Trần Tĩnh Hảo chắc chắn đã dồn rất nhiều tâm huyết vào cô bé.
Tiểu Nguyệt ngẩng đầu đầy kiêu hãnh, "Vâng, mẹ nuôi em thật sự rất tốt! Chị cũng rất tốt, có thể trao tình yêu thương cho những người chưa từng gặp mặt như chúng em."
*
Trần Tĩnh Hảo trước đó đã nói với Tiểu Nguyệt rằng Tạ Ngôn Chiêu muốn mua đồ gì, cho nên cô bé lái xe điện thẳng đến con đường có cửa hàng nội y.
"Chị ơi, chị cứ xem ở cửa hàng này trước, nếu không thích thì bên kia còn một cái nữa, em sẽ chở chị qua."
Tiểu Nguyệt dừng xe, dẫn Tạ Ngôn Chiêu vào cửa hàng nội y.
Nói là cửa hàng nội y, nhưng không chỉ bán mỗi nội y, bên trong còn bán cả quần áo thu đông và đồ ngủ.
Tạ Ngôn Chiêu liếc nhìn qua một lượt, thấy kiểu dáng nội y đều rất lỗi thời, mút xốp dày cộm, lại còn khoét cổ chữ V sâu hoắm, màu sắc thì có đỏ, đen, da báo, làm Tạ Ngôn Chiêu nhìn đến mức mặt mày tối sầm.
Chủ cửa hàng đánh giá Tạ Ngôn Chiêu từ trên xuống dưới một cái, vội vàng nhét nắm hạt dưa đang cầm trong tay vào túi, nở nụ cười niềm nở của người buôn bán đón tiếp cô.
"Mỹ nữ muốn tìm kiểu dáng gì? Ở đây tôi có đủ cả. Nếu không thích mấy mẫu này thì cô cứ xem thử mấy mẫu trên."
Tạ Ngôn Chiêu nghe bà ta nói vậy, lúc này mới phát hiện trên tường cũng treo một đống... Áo ngủ?
Là những bộ áo ngủ hai dây nửa trong suốt bằng ren có miếng lót ngực, Tạ Ngôn Chiêu xấu hổ, những thứ này không thể mặc ngủ, cũng không thể mặc ra ngoài gặp người, cô mua làm gì chứ?
Cuối cùng, cô ấy đến một cửa hàng khác, chọn một chiếc áo ngực cotton màu vàng nhạt trông có vẻ "bình thường" hơn một chút. Trần Tĩnh Hảo trước đó đã đưa tiền cho Tiểu Nguyệt, nên Tiểu Nguyệt thanh toán, cô bé nhờ bà chủ viết hóa đơn cho mình.
Cứ tưởng sẽ có túi đóng gói, thực tế cũng có túi thật —— một chiếc túi nilon màu đen.
"Em có mang cặp sách, chị bỏ vào cặp em nhé." Tiểu Nguyệt đã liệu trước, chủ động mang theo cặp sách đến.
Mua nội y xong thì vừa đúng đến giờ cơm trưa.
"Chị ơi, em mời chị đi ăn cơm nhé. Em nghe mẹ nuôi nói các chị quay chương trình thực tế, hình như phải làm việc mới được ăn cơm. Em lén mời chị ăn ở ngoài, nếu chúng ta không nói thì không ai biết đâu." Tiểu Nguyệt cười tinh nghịch.
"Không cần đâu, chị có đồng nghiệp, cậu ấy đang làm việc rất chăm chỉ, không để chị đói đâu. Với lại bà của em còn ở nhà nữa." Tạ Ngôn Chiêu khéo léo từ chối.
Tiền ăn cũng là một khoản chi tiêu, đối với hai người bọn họ mà nói, ăn một bữa ở ngoài là một sự xa xỉ, Tạ Ngôn Chiêu không muốn cô bé tốn tiền.
"Không sao đâu chị, bà em tự nấu cơm được, chị đừng nghĩ bà em hơn 60 rồi mà yếu, bà em khỏe lắm."
"Vậy em không về, bà em không biết, bà chờ em thì làm thế nào?"
"Bà biết ạ. À mà, thật ra không phải em muốn mời chị đâu, là mẹ nuôi em muốn mời chị đó. Hôm nay mẹ em thật sự không rảnh, nếu không đã đi cùng chị rồi.”
Trước khi xuất phát, Trần Tĩnh Hảo kéo Tiểu Nguyệt sang một bên nói chuyện, chính là chuyện mời cơm này.
"Mẹ em luôn muốn cảm ơn chị, chị để mẹ em mời chị một bữa cơm đi, vậy em cũng có thể ké một bữa." Tiểu Nguyệt nắm tay Tạ Ngôn Chiêu khẽ lắc, nũng nịu.
"Vậy... Được thôi." Tạ Ngôn Chiêu mím môi cười.
Thấy cô đồng ý, Tiểu Nguyệt vui vẻ đẩy xe, "Tuyệt quá! Đi thôi! Chúng ta đi tiệm ăn!"
Phần lớn quán ăn ở thị trấn đều là quán nhỏ, mặt tiền chỉ bằng nửa bức tường, không gian nhỏ hẹp. Đến giờ cơm, đủ loại người đổ ra đường kiếm ăn. Tiếng nói chuyện, tiếng xào nấu, tiếng dầu sôi sùng sục tràn ngập khắp không gian.
Tiểu Nguyệt nắm tay Tạ Ngôn Chiêu len lỏi qua đám đông, đưa cô cảm nhận cuộc sống bình dị, chân thật nhất của huyện nhỏ vùng sâu vùng xa này.
Tạ Ngôn Chiêu để Tiểu Nguyệt giới thiệu quán ăn, Tiểu Nguyệt liền dẫn cô đến một quán lẩu cay nhỏ. Quán rất đông khách, bàn ghế kê cả ra ngoài đường.
Tạ Ngôn Chiêu luôn cảm thấy lẩu cay là món ăn vặt, không phải món chính, nên cô rất ít khi ăn. Cô nghĩ, nếu Tiểu Nguyệt thích thì cứ chiều theo cô bé.
Tuy quán rất đông, nhưng vẫn được dọn dẹp rất sạch sẽ. Đồ ăn được rửa sạch bày trên quầy, còn đọng những giọt nước trong veo.
Hai người chọn đồ ăn xong, lấy thẻ số rồi ra ngoài ngồi chờ.
Trong lúc chờ, nghe thấy có người rao bán kẹo hồ lô trên phố, Tiểu Nguyệt chạy đi mua hai xiên. Một xiên cho mình, một xiên cho Tạ Ngôn Chiêu.
Tạ Ngôn Chiêu cười: "Toàn là đồ trẻ con ăn."
Tiểu Nguyệt cắn một viên táo gai bọc đường, cười theo: "Người lớn cũng ăn được mà! Chị mau nếm thử đi, ngon lắm!"
Tiểu Nguyệt nắm tay Tạ Ngôn Chiêu, đưa xiên kẹo hồ lô đến bên môi cô, Tạ Ngôn Chiêu khẽ cắn một miếng nhỏ, đầu lưỡi chạm vào lớp vỏ đường giòn ngọt trước, sau đó là đến vị chua ngọt của thịt quả bên trong, hai hương vị hòa quyện rất hài hoà.
"Em cho chị mượn ít tiền, chị muốn mua một xiên mang về." Tạ Ngôn Chiêu nói.
Cô muốn mua một xiên mang về cho Đường Tô.
Tiểu Nguyệt nhanh nhẹn lấy tiền ra, "Dạ được! Vậy em cũng mua một xiên mang về."
Mang về cho mẹ nuôi, vì bà răng bà nội không còn tốt nữa, không ăn được đồ ngọt, nên không ăn được món này.
*
Đường Tô không biết Tạ Ngôn Chiêu đã ăn cơm ở bên ngoài, buổi trưa vẫn luôn ở trong sân chờ cô.
Lúc này, các khách mời khác đã ăn cơm xong, ra đồng tiếp tục "làm công".
Biết Tạ Ngôn Chiêu ăn cơm ở bên ngoài rồi mới về, Đường Tô tức giận. Bởi vì cô không nói trước với cậu, hại cậu phí công chờ đợi lâu như vậy.
Sau đó Tạ Ngôn Chiêu lấy xiên kẹo hồ lô ra, "Mua cho em này."
Đường Tô vui vẻ, hớn hở nhận lấy, nhưng chợt nghĩ đến điều gì, liếc xéo cô: "Chỉ mua cho một mình em thôi sao?"
Hay là hai người kia đều có phần.
Tạ Ngôn Chiêu bất đắc dĩ: "Chỉ mua cho một mình em thôi."
Đường Tô vui vẻ.
【 Đường Tô: Mua riêng cho một mình em, hay là em trai em gái khác cũng có? 】
【 Tạ Ngôn Chiêu: Mua riêng cho em, tổ tông của tôi ơi! 】
【 Một xiên kẹo hồ lô thôi mà cũng vui vẻ vậy, y như dỗ trẻ con ấy. 】
【 Lầu trên không cần phải nói, Đường Tô ở trước mặt Tạ Ngôn Chiêu thật sự giống như một đứa trẻ. 】
【 Nhưng mà đứa trẻ hôm nay rất cố gắng nha, đào được không ít khoai lang đỏ đâu. 】
Hôm nay bọn họ vất vả cả buổi sáng ở đồng ruộng, người có thành tích tốt nhất là Lục Thành Tư, tiếp theo là Đường Tô.
Đường Tô không có kỹ xảo gì, chỉ đơn thuần là có sức lực thôi.
Vì mọi người cùng đào với thôn dân nên trong lúc trò chuyện, thôn dân biết được quy tắc của tổ tiết mục, liền góp ý rằng khoai lang đỏ của bọn họ bán tính theo cân, không tính theo củ.
Tổ tiết mục vừa nghe xong, ngay lập tức sửa đổi quy tắc từ "một củ" thành một cân.
Khoảnh khắc Quan Thắng Thắng nghe được quy tắc mới kia quả thực như bị sét đánh ngang tai. Bởi vì cô ta quá xui xẻo, buổi sáng đào toàn củ nhỏ.
Theo tốc độ bình thường của thôn dân, một người có thể đào khoảng 500 cân khoai lang đỏ mỗi giờ, nhưng các khách mời một giờ đào được 50 cân đã là giỏi lắm rồi. Đổi ra tiền, một giờ chỉ kiếm được 5 tệ.
Quan Thắng Thắng là người có thành tích kém nhất, trung bình một giờ được 20 cân đã là may mắn lắm rồi, cô ta tính toán thành quả lao động của mình rồi tuyệt vọng ngồi khóc ngoài ruộng.
Vất vả như vậy mà chỉ kiếm được chút tiền ít ỏi đó, mấy ngày tới sợ là đến cả dưa muối cô ta cũng không có mà ăn.
Có người dân thấy cô ta khóc, chạy tới quan tâm, hỏi cô ta có chuyện gì. Quan Thắng Thắng thật thà kể lại sự tình, người kia lập tức giúp cô ta đi nói lý lẽ với tổ tiết mục, nói giá bán sỉ khoai lang đỏ ở đây là 8 mao một cân, bọn họ chỉ trả 1 mao thì quá khắt khe với cô gái trẻ rồi.
Tổ tiết mục bàn bạc lại một chút, 8 mao thì không được, nhưng có thể tăng lên một chút, đổi thành 4 mao.
Con người là như vậy, khi muốn phá cửa sổ, nếu trước tiên dỡ mái nhà thì sẽ chấp nhận rất nhanh.
Quan Thắng Thắng biết tổ tiết mục nâng giá từ 1 mao lên 4 mao thì lập tức vui vẻ ra mặt, cảm thấy cuộc sống này có hy vọng.
Cô ta bẻ ngón tay tính toán, một giờ 8 tệ, tám giờ là 64 tệ, như vậy trung bình một bữa cô ta có thể tiêu hơn 20 tệ. Hơn 20 tệ là có thể ăn được thịt rồi! Bữa ăn như vậy là quá tốt!
【 Tôi nên nói, Quan Thắng Thắng là người sinh ra để làm công sao? 】
【 Làm thế nào mà cô ấy có thể từ một nữ minh tinh nhập vai thành một người nông dân nhanh như vậy? 】
【 Trước đây có người trong đoàn làm phim nói cô ấy nhập vai nhanh, tôi còn không tin. 】
【 Cái này cũng quá nhanh rồi... So với một đứa "xã súc" như tôi còn ra dáng "xã súc" hơn. 】
Buổi chiều, cả đoàn người tiếp tục "làm công", Đường Tô vì mất chút thời gian chờ Tạ Ngôn Chiêu nên bị tụt lại phía sau.
Tạ Ngôn Chiêu dùng 5 cân khoai lang đỏ mà cậu đào được buổi sáng đổi lấy 2 tệ từ tổ tiết mục, sau đó cầm hai tệ này đi tìm Tiểu Nguyệt trả tiền lại cho cô bé.
Vừa hay, đúng lúc Trần Tĩnh Hảo đến lấy hóa đơn. Trần Tĩnh Hảo kéo Tạ Ngôn Chiêu hỏi: "Chiêu Chiêu, cô có biết đánh đồng bạt không?"
"Hả? Cái gì cơ?" Tạ Ngôn Chiêu nhất thời không hiểu cô ấy đang nói cái gì.
Trần Tĩnh Hảo cho rằng cô không biết, "Không sao đâu, không biết cũng không quan trọng, cái này rất đơn giản, lại dễ học. Bên tôi vừa có một công việc như vậy, bọn họ bao ăn, cô có muốn đi không? Nếu cô muốn, tôi sẽ nói lại với họ."
Tạ Ngôn Chiêu chỉ nghe được cô ấy nói bao ăn, những cái khác đều không nghe rõ.
Sau đó cô đáp lại một chữ: "Đi."
Ngày hôm sau, Đường Tô và Tạ Ngôn Chiêu không ra ruộng nữa.
Ngày thứ ba, vẫn không thấy bóng dáng bọn họ như cũ.
Tổ tiết mục đi ra ngoài tìm, kết quả gặp được bọn họ ở thôn bên cạnh.
Khung cảnh đó rất kỳ lạ, không thể diễn tả được bằng lời.