8.
Từ sau buổi tiệc hải đường, hậu cung dường như vẫn yên bình như cũ.
Nhưng ai cũng biết, trong cung cấm này, những cơn sóng ngầm chưa bao giờ nghỉ ngơi, chúng chỉ đang ẩn mình dưới mặt nước, chờ thời trồi lên.
Danh phận của nàng vẫn là Thần phi, nơi ở vẫn là điện Hợp Hoan, chỉ là giờ đây, quá khứ của nàng đã bị lôi ra bàn tán khắp cung, lời đồn cứ thế loan truyền, một truyền mười, mười truyền một trăm, cuối cùng khiến hậu cung dậy sóng.
Không nhớ bắt đầu từ khi nào, Tạ Quân cũng dần vắng bóng nơi điện Hợp Hoan.
Có lần hiếm hoi định ở lại, lại trùng hợp gặp chuyện Dương Tiệp dư phát bệnh tim, khiến hắn vội vã rời đi trong đêm.
Từ đó về sau, nếu muốn gặp Chi Ninh, hắn chỉ sai người đến đón công chúa, không còn tự mình đến nữa.
Những chuyện này, Yên Tịch Lam hiểu rất rõ.
Nàng biết, từ lâu đám phi tần đã đỏ mắt với sủng ái mà nàng nhận được.
Một khi quá khứ bị đào bới ra trong buổi yến tiệc, thì sẽ chẳng ai bỏ qua cơ hội đạp nàng xuống bùn.
Giờ đây, từng lời đồn, từng lời gièm pha, đang từng ngày len vào tai Tạ Quân.
Mà một khi hắn đã nghe vào lòng, thì sẽ chẳng còn ai đứng về phía nàng nữa.
Chỉ là, điều này lại hợp ý nàng.
Nếu hắn không đến, nàng liền cho Tố Ngọc lấy ra những thứ đã chuẩn bị từ trước.
Chẳng bao lâu, trong tẩm điện của Yên Tịch Lam liền xuất hiện một cây đàn không hầu (loại đàn thời cổ, ít nhất có 5 dây, nhiều nhất có 25 dây), một khung thêu, thêm cả một phòng sách nhỏ.
Khi nhàn rỗi, nàng nghiền mực luyện chữ, đọc kỳ phổ tĩnh tâm. Mỗi lần ngồi xuống là đến tận khuya.
Người khác không rõ, nhưng Tố Ngọc thì biết quá rõ.
Nàng là tỳ nữ theo hầu tỷ muội Nhan thị từ nhỏ, quá hiểu tính cách Nhan Tịch Lam.
Giờ thấy nàng vừa chăm lo cho Chi Ninh, lại vừa khổ luyện cầm, kỳ, thư, họa, lòng Tố Ngọc càng thêm chua xót.
Những lúc không có ai, nàng luôn nhịn không được mà khuyên:
“Thần phi nương nương, không hầu, thêu thùa, kỳ nghệ... năm xưa ở phủ Quốc công, cả khi bị lão gia đánh mắng người cũng chẳng học nổi, giờ người đã là phi tử rồi, không ai ép được người nữa, sao còn tự làm khổ mình?”
Yên Tịch Lam nghe xong liền bật cười, tựa đầu xuống bàn, chỉ vào nàng mà nói:
“Con nha đầu c.h.ế.t tiệt này, ta làm đến Thần phi rồi, mà ngươi vẫn chẳng biết lớn nhỏ.”
Tố Ngọc mím môi, đi đến bóp vai cho nàng.
Yên Tịch Lam cũng không ngăn, cứ để nàng tiếp tục, hồi lâu mới khe khẽ nói:
“Cầm kỳ thư họa, vì sao tỷ tỷ học cái gì cũng dễ như trở bàn tay, mà đến lượt ta, cái gì cũng khổ cực, cũng khó nhọc như thế?”
Tố Ngọc đáp không suy nghĩ:
“Hoàng hậu nương nương cũng từng luyện rất cực khổ mà.
Người vẫn thường nói, phu nhân mất sớm, lão phu nhân và lão gia lại tuổi cao, người phải làm gương cho nương nương.
Trong nhà không có huynh trưởng, chỉ có hai vị tiểu thư, chẳng thể để lão gia lo lắng cho cả hai.”
Nhan Tịch Lam nghe vậy, lặng lẽ buông cuốn kỳ phổ, khẽ thì thầm:
“Phải rồi... Tỷ tỷ từ nhỏ đã khiến cha yên tâm, không giống ta, chỉ khiến mọi người bực bội.
Cha đánh mắng, tỷ sẽ che chở ta. Ta mỗi lần lười biếng, tỷ sẽ giận, nhưng lại chẳng bao giờ cứng lòng mà mặc kệ ta.
Chỉ là, ta lại chưa từng hiểu thấu tấm lòng ấy của tỷ... Luôn cho rằng, mình chỉ cần xin lỗi, nũng nịu một chút là tỷ sẽ tha thứ như chưa từng giận ta.”
Nàng nói rồi, khẽ thở dài, đôi mắt ươn ướt phủ mờ sương khói ký ức.
Nàng—Nhan Tịch Lam, con gái thứ hai của phủ Quốc công—từ bé đã được nuông chiều đến quen.
Tuổi nhỏ được cha và tỷ cưng nựng, lớn lên lại gặp được một người như Bạch Thiếu An.
Hai người tâm đầu ý hợp, thề hẹn tương phùng.
Nàng chẳng mong vinh hoa, chẳng ước quyền thế, chỉ mong được sống cuộc đời bình dị bên người mình yêu.
Mùa Thượng Nguyên năm Nguyên Khang thứ hai, chính là ngày đính ước của nàng và Bạch Thiếu An.
Khi ấy nàng tràn đầy mong chờ, nghĩ rằng chỉ cần qua thêm một năm, nàng sẽ có thể cùng chàng tay nắm tay dạo hội đèn hoa đăng.
Thế mà cuối cùng, nàng lại chẳng đợi được người đến rước mình.
Tin dữ truyền về, khi áo cưới mới vừa may được một nửa, thành Trường An đang độ xuân thì, mưa nhẹ giăng hoa hạnh...
Sau cái c.h.ế.t của Bạch Thiếu An, cha nàng cũng bệnh nặng không dậy nổi, cuối cùng cũng không qua được mùa xuân năm sau.
Trước khi qua đời, ông vẫn không yên lòng về đứa con gái nhỏ, gắng gượng từng đêm, hơi tàn như đèn trước gió, mãi không chịu nhắm mắt.